Chính phủ sẽ xây dựng nghị quyết về thúc đẩy phát triển ngành cơ khí "mang hơi thở cuộc sống", có biện pháp và giải pháp phát triển ngành cơ khí với các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24-9 ở Hà Nội.
Theo Thủ tướng, cơ khí là ngành sản xuất nền tảng, từng "vang bóng một thời" với nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ, năng lực, trí tuệ thông minh. Tuy nhiên, có thời kỳ cơ khí chưa được coi trọng, nên nhiều nhà máy cơ khí lớn thành chung cư, việc tái sử dụng nguồn lực chưa được quan tâm đúng mức.
"Từ nhận thức đến hành động, tại sao các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến ngành cơ khí?" - Thủ tướng đặt câu hỏi và khẳng định Chính phủ và Thủ tướng "quyết chiến" để đưa cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.
Chỉ ra những mặt hạn chế và bất cập, Thủ tướng nói nhiều lĩnh vực trong cơ khí chưa tương xứng như mẫu mã, công nghệ, tổ chức thị trường. Ngành cơ khí vẫn ít doanh nghiệp đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành sản xuất cao. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho phát triển còn chậm đổi mới, cả tư duy chính sách đầu vào và đầu ra.
"Cần có chính sách đi tắt đón đầu trong cơ khí, thành công của thế giới và lợi thế Việt Nam, phát huy lợi thế người đi sau. Làm sao để có tính hiệu quả, hiện đại, tinh xảo trong một số lĩnh vực cần được nâng cao như ôtô, nông nghiệp, cơ khí chính xác, lắp ráp…" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - cho hay tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo.
Cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy nhiên, ngành cơ khí vẫn còn nhiều hạn chế như có rất ít thương hiệu trong nước, doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh, mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu trong nước.
Thủ tướng giao nhiệm vụ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì xây dựng nghị quyết về thúc đẩy phát triển ngành cơ khí "mang hơi thở cuộc sống", các bộ ngành liên quan khác có các biện pháp và giải pháp phát triển ngành cơ khí.
"Việt Nam cần xây dựng ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực nên doanh nghiệp cần nỗ lực hơn, chủ động đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển ngành. Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành với ngành cơ khí, tạo điều kiện tốt với hành động cụ thể" - Thủ tướng nhấn mạnh.